Sunday, December 14, 2014

CỘT MỐC 428 - NƠI ĐỊA ĐẦU CỰC BẮC


Nói đến điểm cực bắc Việt Nam, đa phần mọi người đều nghĩ rằng đó là cột cờ Lũng Cú, ở huyện Đồng Văn, thành phố Hà Giang. Tuy nhiên, nằm cách đó khoảng chừng 4km, phía dưới vực sông Nho Quế, cột mốc 428 mới là điểm xa nhất về phía bắc của dải đất hình chữ S, đánh dấu phần lãnh thổ đất liền nơi dòng Nho Quế bắt đầu chảy vào đất Việt.

Sau khi tập trung đông đủ tại trụ sở Ủy ban xã Lũng Cú, chúng tôi thỏ thẻ bước vào khoảnh sân nhỏ, xin phép được gặp anh chủ tịch xã để nhờ nói giúp với các anh biên phòng cho phép đồng thời dẫn đường giúp chúng tôi tìm đến điểm mốc 428. Các cột mốc biên giới phân chia lãnh thổ hai nước Việt – Trung được đánh dấu hàng dọc theo thứ tự từ điểm gần nhất (411) đến điểm xa nhất của Việt Nam (428) dài 27km nằm cheo leo trên những mỏm núi đá vôi màu xám xịt. Trekking được hết những mốc này là mơ ước của những bạn trẻ như chúng tôi, vốn ưa du lịch mạo hiểm và khám phá. Tuy nhiên do thời gian hạn hẹp và trong nhóm có bạn không mạnh nhiều về thể lực nên chúng tôi bàn bạc và quyết định nhanh là chỉ trek cột mốc 428 mà thôi.


Nằm chênh vênh trên sườn núi sát với đường biên giới là bản Xéo Lủng của người Mông, ở độ cao trung bình từ 1600 – 1800m so với mực nước biển. Chúng tôi để xe máy tại bản rồi từ từ cuốc bộ xuống con dốc mòn theo dấu chân người dẫn đường. Con đường đất này rất nhỏ hẹp lại bám sát vào sườn núi, do độ dốc khá cao nên mọi người trong nhóm đều phải đi thật chậm. Cũng may mấy hôm nay trời nắng nên đường không đến nỗi khó chinh phục, chứ mùa mưa thì thôi, đất sẽ biến thành bùn nhão, sình lầy và khá là trơn trượt. Khi hạ thấp dần độ cao, chúng tôi gặp rất nhiều người dân bản dẫn bò, ngựa đi lấy cỏ, lượm củi khô và hái rau, ngô, sắn. Có cả những em bé còn nhỏ xíu ngồi lọt thỏm trong chiếc gùi phía sau lưng bố mẹ, lỏn lẻn nhìn chúng tôi cười. Một con ngựa dừng lại bên đường, nhai lấy nhai để nắm lá cây dại, gõ móng cộp cộp xuống đất. Có lẽ nó ngại đi vì đường dốc đá và quá hẹp, hay e ngại khi thấy mấy đứa thanh niên thành thị tay gậy tay vịn từ từ lê xuống dốc? Đến một ngã ba, do đi chậm nên tôi và một người bạn nữa lạc mất hướng của nhóm đi trước, đành phải mắt chữ O mồm chữ A khi hỏi thăm một bác người Mông, vì bác này không biết tiếng Kinh. Bí quá, cô bạn tôi móc điện thoại, bấm ba con số 428 lên màn hình rồi quơ tay ra dấu hỏi đường. Bác vừa thấy thì xua tay và lắc đầu nguầy nguậy, ý chừng bảo “Đường dốc lắm, lên không nổi đâu, chúng mày về đi!”. Biết làm sao được, tôi và bạn nhìn nhau, khoanh tay cám ơn rồi dắt díu nhau tiếp tục chinh phục con đường gian khó.

Sau khoảng 1h30 đồng hồ chật vật vượt qua hơn 2km dọc theo sườn núi ngoằn ngoèo và dốc đứng, mọi người chợt thở phào nhẹ nhõm khi nghe người dẫn đường thông báo: “Đến rồi đây!” Lặn lội chui qua một hốc đất nhỏ bên dưới một bụi cây rừng, chúng tôi ôm nhau vui mừng tột độ khi thấy cột mốc quốc gia 428 – điểm đỏ đánh dấu chủ quyền lãnh thổ Việt Nam ở nơi địa đầu cực Bắc – sừng sững giữa trời. Vui lắm, và tự hào lắm khi được là một trong những người con đất Việt đặt chân được đến đây! Ít ai biết, phải mất đến hai năm cột mốc này mới được hoàn thành vì địa hình xung quanh quá hiểm trở - trên vách núi, dưới lòng sông. 

Từ mốc 428, xuống phía dưới 2km nữa là sông Nho Quế - dải lụa mỏng màu xanh ngọc bích - được xem như đường biên tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc. Từ đây, chảy thêm 13km nữa rồi dòng Nho Quế bắt đầu hòa mình vào đất Việt, chảy sang thị trấn Mèo Vạc, Xín Cái và đổ về tỉnh Cao Bằng. Chúng tôi đứng lặng yên nắm chặt tay nhau, khoan khoái phóng hết tầm mắt về phía trời đất bao la, nhìn về phía Nam. Nơi đó, Tổ quốc thân yêu đang chờ đón…

==================================================================
- Thời gian chinh phục cột mốc 428 cả đi lẫn về trung bình mất khoảng 3h. Nên tranh thủ đi vào lúc sáng trời mát mẻ sẽ đỡ mệt hơn leo núi giữa trưa nắng, và tránh khởi hành trễ vì khi quay về phải ngược dốc lên núi, tới nơi thì trời quá tối.

- Vì đây là khu vực biên giới nên bạn cần xin phép các anh ở trụ sở xã cũng như Trạm biên phòng Lũng Cú trước khi bắt đầu đi thăm cột mốc.

- Có kinh nghiệm leo núi và có sức bền sẽ là lợi thế cho bạn khi tham gia trekking cột mốc. Nên chọn balo gọn nhẹ cùng với một chai nước khoảng 0.5L để tiếp nước khi cần. Chú ý khi khát nước phải uống theo kiểu nhấp từng ngụm nhỏ một.

- Giày vừa chân, có đế mềm và gai bám đường, bền, không nặng quá, không dễ bị ướt, thích hợp với địa hình. Giày thích hợp leo núi là giày da, cao cổ (cao hơn mắt cá chân một chút), có gai bám bằng cao su, buộc dây. Nên sử dụng vớ cotton loại dày và cao cổ sẽ làm cho chân bạn đỡ đau. Nên dùng ống băng đàn hồi để bọc cổ chân, gối.

- Từ Hà Nội lên Hà Giang có nhiều nhà xe chất lượng cao, bạn có thể mua vé bus của nhà xe Bằng Phấn. Tới thành phố Hà Giang hãy nghỉ ngơi cho lại sức rồi thuê xe máy đi Lũng Cú.

 

No comments:

Post a Comment