Friday, August 24, 2012

* Đồ nghề làm bánh cơ bản *

Mình làm cái danh sách này để các bạn mới chập chững học làm bánh tham khảo. Đây là những dụng cụ, đồ nghề cơ bản nhất cần có, bạn dựa vào để lên kế hoạch mua sắm cho mình tùy mục đích và nhu cầu sử dụng.

1. Máy đánh trứng:
Đây là dụng cụ đầu tiên và nhất thiết phải có nếu bạn muốn "thò chân" vào "thế giới của bánh ngọt". Máy đánh trứng có 2 loại, loại cầm tay và loại để bàn.

- Loại cầm tay (hand mixer): gồm có 2 que đánh trứng và 2 que xoắn để đánh bột. Ưu điểm gọn, nhẹ, dễ sử dụng và giá thành vừa phải, lại dễ cất. Tuy nhiên phải cầm tay khi dùng, và khó đánh được các hỗn hợp bột nặng cần nhào trộn mạnh như bánh mì.
Phổ biến ở VN là Philips, Black Decker, Panasonic... Nên chọn loại có công suất ít nhất 250W - 450W.



- Loại để bàn (stand mixer): có 2 loại, loại tháo rời được phần chân đế và loại không tháo rời được
Loại tháo rời được sẽ có 2 que đánh trứng, 2 que nhào bột, 1 đế máy và 1 thố đi kèm. Ưu điểm là gọn, nhẹ, dễ dùng, có thể tháo rời máy và cầm tay như loại hand mixer bên trên, tuy nhiên cũng khó đánh các hỗn hợp bột nặng

Loại không tháo rời được (như Artisan của Kitchen Aid trong hình) gồm 1 lồng đánh trứng, 1 que đánh bột và 1 que dạng móc câu dùng cho các hỗn hợp bột nặng khó nhào trộn. Trọng lượng khá nặng và hơi chiếm diện tích bếp, giá thành cao


2. Lò nướng:

Đây là công cụ đắc lực trợ giúp trong việc làm bánh rất nhiều, nhất là với các dạng bánh nướng. Hiện tại ở VN, thông dụng nhất là 2 nhãn hiệu lò của TQ (Sanaky và Gali), ngoài ra là Electrolux, Panasonic... Tuy nhiên, nếu chỉ đầu tư lò để phục vụ trong gia đình thì mua lò TQ là đủ, vừa kinh tế lại tiện dụng.
- Kích cỡ: nên chọn lò nướng có dung tích từ 35 - 42L là tốt nhất vì nó vừa với hầu hết các khuôn bánh bình thường (ngoại trừ baguette). Lò nhỏ hơn 35L sẽ khó nướng bánh, đồng thời số lượng bánh nướng trong một lần không được nhiều. Lò 50L thì công suất cao sẽ dẫn đến việc điện năng bị hao tốn nhiều hơn.
- Thương hiệu: Cá nhân mình đang dùng lò Gali, và theo mình thấy thì lò Gali ổn định nhiệt hơn so với Sanaky (mặc dù nhiệt độ thực tế ở cả hai lò đều thường cao hoặc thấp hơn so với nhiệt độ điều chỉnh). Nếu có điều kiện thì dĩ nhiên Electrolux là quá tốt. Bạn nào đang dùng lò Sanaky thì chú ý, trong một số trường hợp, có thể phải tắt quạt tản nhiệt để độ nóng trong lò được ổn định và tập trung.

3. Cân:
Trong làm bánh, hầu hết tất cả các nguyên liệu đều được cân/đong, và tỉ lệ chính xác về trọng lượng của từng loại nguyên liệu sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến thành phẩm. Vì vậy, có một cái cân trong bếp là cần thiết. Bạn không thể nhắm, ước lượng hay múc đại theo chủ ý cá nhân được.
Cân có 2 loại, cân kg như bình thường và cân điện tử
- Cân kg: nên chọn mua loại 1kg là tốt nhất, vì cân càng nhỏ thì độ chính xác càng cao. Cũng có thể chọn loại 2kg nếu muốn kết hợp cân các loại thực phẩm khác trong gia đình.

- Cân điện tử: có thể cân chính xác từng gram.

Bên cạnh cân là cup đong, dùng để lường các chất lỏng theo ml hay l. Nếu chưa có ly đong bạn có thể tạm quy đổi theo tỉ lệ tương đương 1L ~ 1kg.

Ngoài ra trong ngành bánh người ta cũng thường sử dụng bộ cup đong dạng muỗng. Tuy nhiên, nếu không muốn thất bại - nhất là với những bạn mới bắt đầu - thì chỉ nên dùng cân và thử các công thức có độ tin cậy cao. Khi đã "chắc tay" bạn có thể dùng bộ cup đong để định lượng cho nhanh.
Có 2 loại, loại bằng nhựa và loại bằng inox.

4. Cây vét bột / Dao chà láng (spatula):
- Cây vét bột: thường làm bằng nhựa, gỗ hoặc inox, nên chọn mua loại bằng silicone hay nhựa dẻo mềm (có thể uốn éo được) - giá mắc hơn loại bằng nhựa cứng thường - để tiện vét thau, thố bột sau khi trộn.

- Dao chà láng: có nhiều kích cỡ, dùng loại inox là tốt nhất, buộc phải có trong môn trang trí bánh kem

5. Dụng cụ rây bột:
Thường làm bằng inox hoặc nhựa, giúp bột được tơi ra để quá trình trộn bột dễ dàng hơn, và loại bỏ tạp chất hoặc bột bị vón cục. Nên mua loại có tay cầm dài, lỗ rây nhỏ bằng inox.

6. Cây đánh trứng cầm tay (whisk):
Whisk được dùng để đánh trứng hay trộn bột nhẹ, hoặc trộn các hỗn hợp cho quyện đều. Thường có 3 cỡ. Nên chọn mua loại bằng inox, có tay cầm dài trung bình, phần whisk cứng cáp không quá mềm.

7. Khuôn bánh:
Có nhiều loại khuôn khác nhau tùy theo từng món bánh, nhưng thông dụng nhất là các khuôn tròn/vuông bằng nhôm hay inox, đáy liền hay đáy rời... Cá biệt có một số khuôn bánh bằng nhựa hay gỗ như bánh trung thu, bánh phục linh...

- Khuôn tròn/vuông 20cm: đây là loại thông dụng nhất, có thể làm bông lan cơ bản, mousse, cheesecake... Tùy theo nhu cầu sử dụng và điều kiện kinh tế mà có thể chọn loại bằng nhôm hay inox, đáy liền hay đáy rời chống dính (non-stick spring form).

Riêng bánh mousse có thêm dạng khuôn vòng không đáy, thường được gọi là mousse ring với nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau

- Khuôn cắt bánh quy (cookies cutter): bằng nhựa hoặc inox, dùng để cắt bánh quy với nhiều hình dạng. Có thể ứng dụng trong loại hình rau câu trang trí

- Khuôn cupcake/muffin: một trong những món bánh cơ bản dễ học, dễ thực hành chính là cupcake, vì vậy, khuôn cupcake có thể là chọn lựa hàng đầu. Để kinh tế nên chọn mua khuôn nhôm dạng chung nhỏ, vừa có thể làm nước đá, làm bánh flan, vừa làm được cả cupcake/muffin. Ưu điểm của dạng này là nhỏ gọn, dễ cất, dễ sắp xếp và giá thành rẻ.

Khuôn cupcake chuẩn thường có dạng khay 6, 12 hoặc 24 cái, giá thành cao, chống dính

Ngoài ra là các dạng khuôn rời bằng silicone, giá rất mắc

Khi làm cupcake/muffin phải có chén giấy lót bên trong

  • Dạng mỏng, nhẹ, giấy mềm là chén giấy dùng cho cupcake



  • Dạng chén giấy dày, cứng và cao dùng cho muffin

8. Cây cán bột bằng gỗ, cỡ vừa: dùng để cán bột trong bánh mì, bánh tiêu...

9. Khuôn tart:
Tart cũng là một loại bánh cơ bản dễ làm, khuôn tart lại có rất nhiều hình thù, kiểu dáng và kích cỡ khác nhau


(Nguồn: Tất cả hình ảnh trong bài sưu tầm từ internet)

No comments:

Post a Comment