Sunday, July 29, 2012

Ngày không vội vã ở Cù lao Câu


Cách thành phố Phan Thiết chừng 7 hải lý về hướng Đông Bắc, cù lao Câu thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận nổi bật với những triền cát trắng hoang sơ chạy dài, uốn lượn bên làn nước trong xanh màu ngọc bích và hàng ngàn khối đá có hình thù độc đáo. Chưa được khai thác du lịch nên mọi thứ trên đảo rất hoang sơ. Với những ai yêu thiên nhiên thì đây chắc chắn là thiên đường lý tưởng. Chỉ vỏn vẹn hai ngày cuối tuần là đủ để bạn trốn khỏi sự ồn ào náo nhiệt mang đậm hơi thở của cuộc sống đô thị, và đi về phía biển...


Gần 5g sáng, chú Tư Hữu - một ngư dân gắn bó với cù lao Câu từ nhiều năm qua - ghé đón chúng tôi ở làng chài Phước Thể. Do nước cạn nên tàu không cập sát cảng cá được, vì vậy, thử thách đầu tiên là từng người lần lượt mặc áo phao vào, và leo lên thuyền thúng. Mỗi thúng chỉ chở được chừng 3 - 4 người, khi leo lên rất tròng trành, cả nhóm phải nhờ sự giúp sức của những người dân gần đó mới yên vị xong. Người lái thuyền sử dụng mái chèo, chèo xoay theo vòng tròn, rất lạ. Chúng tôi vừa tò mò, vừa sợ hãi, lại vừa thích thú. Rồi từ thuyền thúng để lên được tàu to, lại phải nhờ các bạn trai và ngư dân kéo lên. Mùa biển êm, còn gọi là mùa gió Nam (từ tháng 3 đến tháng 7 âm lịch), tàu rẽ sóng chừng 45p là đến đảo.


Có chiều dài 1.500m, chiều rộng 700m, nhìn từ trên tàu, trông cù lao Câu như một chiếc chiến hạm bằng đá vững chãi giữa biển khơi. Đá trên đảo được mẹ thiên nhiên tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ, nước biển trong vắt có thể nhìn thấy đáy, san hô đủ màu, đủ dạng. Một điều lạ là nước biển ở đây khá lạnh cho dù tôi nhảy xuống tắm giữa ban trưa. Nắng vàng, trong nhưng không gắt, gió biển rì rào đu đưa những hàng dương. 


Mây trắng bồng bềnh trên nền trời xanh mát, những bông lau trắng cao hơn đầu người phất phơ trong gió. Trời cao lồng lộng, biển xanh ngắt, sóng vỗ lăn tăn. Trước khung cảnh nên thơ này, mọi hoạt động như dừng hẳn lại, rồi từ từ trôi đi, trôi đi thật chậm…


Trên đảo có hai quán nhỏ của hai hộ dân ở làng chài gần đó dựng lên để phục vụ ngư dân qua lại. Vào mùa gió Bắc, nước biển dâng cao lên đến tận quán nên người dân sẽ dẹp lại, chờ đến khi biển êm, gió lặng mới tiếp tục việc kinh doanh. Dạo gần đây, nhiều khách du lịch ưa mạo hiểm và thích khám phá ra đảo nên chú Tư phục vụ luôn các món ăn với mực, tôm, cá tươi sống, mắc thêm mấy cái võng cho khách nằm chơi, và chuẩn bị sẵn nước ngọt để khách tắm.

Sau một giấc ngủ trưa ngăn ngắn, chúng tôi kéo nhau đi khám phá hòn Câu. Đã được dặn dò trước nên cả nhóm tuân thủ theo chỉ dẫn một cách vô điều kiện: chỉ đi theo những lối mòn, tuyệt đối không giẫm đạp vào những bụi cây ở hai bên, và người đi đầu thủ sẵn cái gậy trong tay, vì có rắn. Rắn trên đảo nghe kể toàn là rắn độc: Lúc trời nắng nóng, rắn sẽ lũ lượt bò lên các thân cây trốn nắng, còn buổi tối, có khi rắn “xếp hàng” nằm dài trên những con đường mòn quanh đảo. Bỏ qua nỗi sợ rắn thì cái thú khi đến cù lao là được sống giữa thiên nhiên. Rất nhiều hải âu, có cả hang yến, bãi tắm tiên. Trên bãi biển có nhiều vỏ ốc to và đẹp, những ngọn san hô tươi non bị gãy sóng đánh dạt vào bờ, bạn nhặt về trang trí cho hồ cá, rất xinh. Nếu có đủ phương tiện, bạn có thể lặn ngắm san hô hay cắm cần câu cá. 


Ngồi một mình với biển rộng mênh mông, trong tôi không còn chỗ cho cảm giác cô đơn, mà chỉ là đắm chìm cùng vẻ đẹp của thiên nhiên. Dưới ánh sáng nhiệm màu của nắng sớm, biển chỉ phủ toàn một màu bàng bạc pha chút ửng hồng. 


Rồi đến ban trưa, màu vàng của nắng, màu xanh của nước biển hòa quyện lẫn nhau khiến chúng tôi chỉ muốn lao mình xuống vùng vẫy cho thật thích. Nằm đong đưa trên võng, để đôi chân trần chạm cát, hít một hơi gió biển mát rượi, nghe bập bõm tiếng đọc thơ của chú Tư, tôi biết, thiên đường không ở đâu xa...


Sở hữu làn nước biển trong veo xanh màu lá cùng các bãi đá trải dài với các hình dạng kỳ thú, theo địa thế của từng khu, nhiều cái tên độc đáo được dân đi biển đặt cho các bãi đá của hòn đảo nhỏ này: hang Tình Yêu, khe Sung Sướng, bãi Tắm Tiên, bãi San Hô, bãi Cá Suốt... Mong ước của chú Tư là nơi này mau chóng trở thành khu du lịch sinh thái, để cho đảo đẹp hơn, và người dân cũng nhờ thế mà thay đổi được cuộc sống. Tuy khó khăn và vất vả nhưng lúc nào cũng thấy trên môi họ rực rỡ những nụ cười. Chắc là vì, nụ cười sẽ hong khô tất cả...


=============================
- Từ TpHCM, bạn đi xe tuyến SG - Phan Rang đến thị trấn Liên Hương (nhà xe Liên Hương, giá vé 110.000đ/người), sau đó lên xe trung chuyển đến Phước Thể. Khởi hành lúc 7g30 tối, bạn sẽ có mặt ở làng chài Phước Thể lúc 5g sáng. Nếu bạn đi hãng xe khác thì nhớ yêu cầu họ cho xuống ngã ba Phước Thể - chỗ cầu Đại Hòa, rồi đón taxi hay xe ôm đi tiếp (cảng cá cách ngã ba chừng 3km).


- Thời gian di chuyển từ Phước Thể ra cù lao Câu khoảng 45p - 1h. Giá thuê thuyền cả đi lẫn về là 200.000đ/người. Nên liên lạc trước 2 ngày để chủ quán đăng ký với chính quyền địa phương. Vì nước ngọt trên đảo khá hiếm hoi (cả đảo chỉ có duy nhất một giếng nước ngọt nằm bên trong doanh trại trung đội bộ binh) nên bạn cần tiết kiệm khi có nhu cầu dùng đến.
- Nên mang theo một ít lưu huỳnh và sả cây, tối ngủ, nếu dựng lều ở ngoài biển, cách xa quán thì rải lưu huỳnh xung quanh và bỏ ít sả vào bên trong, phòng ngừa rắn. Nếu dư dả thời gian, có thể xin phép chú Tư cho bạn cùng đi câu cá bóp, câu mực buổi đêm. 
- Đặc sản của cù lao Câu là lá địa sâm nấu cháo tôm, cháo hến và cá cơm khô kho tộ hoặc chiên giòn ăn cùng cơm trắng. Nếu thích, bạn có thể dặn trước để được mua hải sản tươi với giá rẻ. Cá mao ếch và cá chình ở đây rất nhiều được thu mua lại chỉ với giá khoảng 20.000đ/kg. Mực lá tuyệt ngon chỉ 90.000đ/kg, còn mực lớn gần 1kg/con khoảng 180.000đ tha hồ đóng thùng mang về.
- Rằm tháng 4 âm lịch hàng năm, ngư dân Tuy Phong tổ chức lễ hội cầu Ngư truyền thống rất lớn để cầu mong một năm biển được mùa, thu hút rất nhiều người dân địa phương và du khách.


No comments:

Post a Comment