Chúng tôi đến Nam Du vào một ngày cuối tháng 3. Từ cầu tàu Rạch Giá, ngồi tàu cao tốc chừng 2.5 – 3h đồng hồ là đã đặt chân đến hòn Củ Tron (còn gọi là hòn Lớn), cách bờ 50km. Nằm ở phía Đông đảo Phú Quốc, quần đảo Nam Du có khoảng 21 đảo lớn nhỏ khác nhau nằm trong vịnh Thái Lan, thuộc hai xã An Sơn và Nam Du, huyện Kiên Hải. Các đảo nằm song song theo hướng bắc nam, ngổn ngang trên biển, không theo bất kỳ một trật tự nào. Cái tên gọi Hạ Long của phương Nam có lẽ cũng bắt nguồn từ đó.
Hành trình khám phá Nam Du bắt đầu khi chúng tôi đặt chân lên hòn Lớn. Đã liên lạc trước với một nhà dân trong làng chài nên khi đến nơi, cả nhóm được tiếp đón nồng nhiệt bằng những món đặc sản mang đậm hương vị của biển: ốc cà xeo, sò tộ, mực tươi nướng muối ớt và khô cá gộc tẩm gia vị chiên giòn. Tươi, thơm và ngọt lịm. Sau khi no nê thì thuyền máy đã chờ sẵn phía sau nhà, đưa chúng tôi tham quan và cắm trại ở điểm đầu tiên – Hòn Mấu – rộng khoảng 2km2 với khoảng 600 hộ dân sinh sống bằng nghề chài lưới, vốn nổi tiếng vì có nhiều bãi biển đẹp và khá hoang sơ.
Mượn nhờ cái sân của một nhà dân trên đảo, chúng tôi bắt đầu cắm trại, dựng lều, tranh thủ tắm biển rồi đốt lửa chuẩn bị cho bữa chiều cùng với một ít sò, ốc, mực đem theo từ hòn Lớn. Biển ở đây trong veo xanh màu ngọc bích, nhìn xuống thấy cả những hòn sỏi đủ màu, lấp lánh và bóng loáng.
Nước biển khá ấm khiến ai nấy vùng vẫy thỏa thích mà không muốn lên bờ. Chiều dần buông, lúi húi lượm củi khô rồi nhóm bếp lò dã chiến, tranh thủ vừa nướng hải sản vừa bắc nồi cháo khuya, xúm xít quanh bếp lửa kể cho nhau nghe dăm ba câu chuyện phiếm, thấy cuộc sống yên bình và đáng yêu đến lạ…
Xong bữa tối là gần đến nửa đêm, trời khuya khá lạnh nên cả nhóm quyết định xin ngủ ké ở nhà dân thay vì ngủ lều như ý định ban đầu. Cô chủ dắt mấy đứa sang nhà mẹ cô gần đó, cho mượn tạm gian nhà trống và cái phản nhỏ ở bên trong. Bung túi ngủ ra, ai nấy chui vào rồi rấm rức lăn qua lăn lại vì muỗi… Chỉ mấy phút sau, cả Hòn Mấu bắt đầu chìm vào màn đêm yên tĩnh…
Tờ mờ sáng, mấy đứa lục tục dậy, vừa ngái ngủ vừa líu ríu chào gia đình cô chủ, xin phép về lại chỗ sân cắm trại tối qua. Đi dạo một vòng quanh đảo, chỉ có đôi ba mái nhà lụp xụp bán một ít đồ khô như hành, tỏi, trứng, đường, mì gói… Tuyệt nhiên không thấy nhà nào kinh doanh hải sản tươi sống. Hỏi ra mới biết, ở đây người dân chài lưới được bao nhiêu đều bán lại cho các chủ ghe thu mua theo mối, còn bản thân họ và gia đình, chỉ cần ít cơm nguội với vài con cá mắm cũng xong…
Gần 11g trưa thuyền mới ghé đón chúng tôi tới một vịnh nhỏ trong khu vực Hòn Nồm, ăn vội bữa trưa nhanh gọn với một ít cá tươi xin được của người dân và vài gói mì đem theo rồi nhảy tùm xuống biển. Biển ở đây không có sóng, cứ êm êm là, và xanh mát. Mấy đứa rủ nhau thả trôi lững lờ giữa biển mặc cho trên đầu là cái nắng chói chang, tưởng như đang nằm trên chiếc giường êm ái…
Hơn 2g chiều, cả nhóm lên thuyền về lại Củ Tron, tranh thủ kéo nhau đi tham quan hòn Lớn. Từ trên cao nhìn xuống, các làng chài lúc nào cũng tấp nập tàu thuyền neo đậu và bè cá san sát bên nhau, nép mình dưới những rặng dừa xanh mướt mắt.
Chúng tôi chia thành hai nhóm, một nhóm ở lại bãi Ngự ngắm ráng chiều đang dần tới, nhóm còn lại tranh thủ về tắm rửa vì nhà dân mà chúng tôi trọ chỉ có duy nhất một nhà tắm được ghép bằng những mảnh tôn cũ kỹ. Trên đường về xóm chài, tôi làm quen được với một anh trên trạm hải đăng Nam Du. Sau vài ba câu chuyện, chúng tôi thỏ thẻ, khẽ khọt xin phép anh cho lên tham quan và ngủ lại một đêm. Anh gật đầu, bảo khi nào lên gọi anh trước, anh chạy xe xuống đón vì đường xa lắm. Bốn đứa nhìn nhau cười khoái chí.
Lại ăn vội bữa tối với đủ các thể loại cá biển, từ canh chua cá, cá kho cho đến cá sốt cà, rồi cá chiên dầm nước mắm… 7g tối, chúng tôi bắt đầu leo bộ lên dốc núi cao 295m. Trời đêm mát mẻ thậm chí có gió lạnh, nhưng người ai nấy đều đẫm mồ hôi vì dốc cao quá dù con đường này được trải nhựa láng o. Được 1/3 đường thì anh trên trạm gọi, bảo đứng đó anh xuống rước. Vòng đi vòng lại mấy lần chúng tôi mới lên đủ mặt. Ngồi tám chuyện với các anh một lúc, chia nhau vài con khô, vài cút rượu, tôi biết, dù gian truân vất vả ở nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng người dân Nam Du lúc nào cũng chân chất, phóng khoáng, hiền hòa và giàu lòng hiếu khách.
Từ độ cao 14m của ngọn hải đăng – nơi được ví như con mắt biển canh giữ vùng biển đảo Tây Nam – chúng tôi thích thú phóng tầm mắt thật xa, ngắm nhìn toàn cảnh xã đảo Nam Du, miệng ngân nga câu hát “…Kiên Giang mình đẹp làm sao…”
=============================
* Từ SG muốn đến Nam Du phải đi xe xuống Rạch Giá - Kiên Giang, giá vé 110k - 130k/người/ghế ngồi. Khởi hành từ 23g khuya tại bến xe miền Tây, 5g sáng bạn sẽ có mặt ở chợ Rạch Giá. Từ đây phải đón taxi ra bến tàu đi Phú Quốc cách đó chừng 7km. Nếu đi xe Mai Linh hay Phương Trang thì có xe trung chuyển ra bến tàu.
* Thời gian tàu cao tốc chạy từ đất liền ra đảo khoảng 2.5 - 3h, giá vé 210k/người, tàu ra khởi hành lúc 8g sáng, tàu về xuất phát lúc 12g trưa.
* Nam Du có khá nhiều nhà trọ giá bình dân, cứ lên tới cầu cảng ở hòn Lớn, đi bộ hay thuê xe ôm chạy vào phía trong khu dân cư là thấy.
* Giá thuê thuyền chở 10 người đi lòng vòng quanh đảo là 1 triệu/ngày
* Vì nước ngọt trên đảo khá hiếm hoi nên bạn cần tiết kiệm khi có nhu cầu dùng đến.
* Bài viết cho chuyên mục Nhật ký hành trình - tạp chí Thế Giới Phụ Nữ số 28/12 ra ngày 16.7.2012 (đã được BBT chỉnh sửa tựa bài thành "Hương biển Nam Du")
No comments:
Post a Comment