Sunday, September 10, 2017

Rinjani – Cung đường thử thách


Sau hai chặng bay Saigon - Kuala Lumpur và Kuala Lumpur - Lombok, chúng tôi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Bandar Udara vào một ngày đầy nắng cuối tháng tư. Xe của đại lý du lịch và tài xế đã chờ sẵn bên ngoài. Ai nấy đều rất háo hức khi dọc hai bên đường từ sân bay về trung tâm đều giăng đầy biểu ngữ quảng bá cho cuộc thi leo núi sắp diễn ra “Rinjani - Challenge Your Limit”. Mất thêm gần 3h đồng hồ ngồi xe, chúng tôi được đưa về một khách sạn nhỏ ở khu vực chân núi - thị trấn Sembalun để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho hành trình leo Rinjani sáng hôm sau.

8 giờ, sau bữa sáng, chúng tôi xuất phát theo đường mòn, băng qua cánh đồng cỏ khô. Hướng dẫn của nhóm là Pay, cùng với bốn bạn porter giúp khuân vác lều trại, túi ngủ, nước uống, thức ăn… cho hành trình leo núi ba ngày hai đêm. Đoạn đầu tiên tương đối dễ dàng nên cả nhóm đi khá nhanh, đến 10 giờ hơn đã đến sát chân núi, bắt đầu chinh phục đoạn đường lên dốc đầy đá lởm chởm. Đường lên núi ngày càng dốc, mặt trời lại lên cao làm cả nhóm thấm mệt, cứ đi được chừng 30 phút là phải nghỉ. Nước uống mang theo cứ vơi dần.

Hơn 12 giờ chúng tôi mới đến được điểm dừng chân để ăn trưa, lúc này các bạn porter đi trước đã chuẩn bị nấu nướng gần xong. Tranh thủ nạp năng lượng và nghỉ ngơi chừng hai tiếng, cả nhóm lại tiếp tục hành trình. Mục tiêu của ngày đầu tiên là phải đi bộ xuyên rừng suốt 7 - 9 tiếng để đến được điểm cắm trại ở lưng chừng sườn núi không quá trễ. Nắng càng lúc càng gắt, và dốc càng lúc càng cao khiến bước chân của mọi người chậm dần, chỉ có thể bước từng bước nhỏ và cố gắng duy trì nhịp độ liên tục. Dọc đường đi, chúng tôi gặp khá nhiều các nhóm leo núi khác. Họ vác theo cả những chiếc loa mini để nghe nhạc trên đường. Tiếng nhạc xập xình náo động cổ vũ thêm tinh thần cho những người bạn đường không quen.


Do đi chậm nên mãi đến 6g30 tối, cả nhóm mới tới được chỗ hạ trại ở độ cao 2.500m. Ai nấy đều mệt rã rời, đôi chân mỏi nhừ, không còn cảm giác là chân của mình nữa. Chúng tôi chỉ kịp chui vào lều, lau sơ người, mặc thêm quần áo cho đủ ấm rồi ăn tối. Pay cho biết vì tốc độ leo núi của nhóm khá chậm nên chúng tôi sẽ phải khởi hành sớm hơn lịch dự kiến ban đầu, bắt đầu từ 1 giờ sáng để có thể chạm đến đỉnh và kịp đón bình minh. Anh cho biết, thông thường nếu đi nhanh sẽ mất khoảng 5 tiếng đồng hồ để lên đến đỉnh vì đoạn đường này rất khắc nghiệt do có nhiều sỏi dăm, cứ ba bước tới sẽ có một bước tụt lại. Và tương tự, đoạn đường xuống núi sẽ chỉ mất khoảng 2 giờ, nhanh hơn do bước xuống một bước sẽ bị tuột luôn năm bước.

1 giờ sáng, chúng tôi lồm cồm bò dậy trong tiết trời lạnh cắt da cắt thịt. Tuy cả đêm không ngủ được vì quá lạnh nhưng ai nấy đều nhanh chóng nai nịt gọn gàng và hào hứng lên đường. Đoạn leo ở sườn núi đầu tiên, triền dốc dựng đứng, chúng tôi vật lộn với mớ sỏi đá núi lửa từ nham thạch vỡ vụn lạo xạo dưới chân gần 3 tiếng đồng hồ mới đến được sườn núi thứ hai. Xung quanh không một bóng cây, chỉ có trời, đất, gió và núi đá cùng tiếng động viên lẫn nhau của đoàn người leo núi. Tôi đứng bất động vì lạnh, chân và tay đều tê dại không còn cảm giác. Cả nhóm bảo nhau lôi áo mưa ra mặc bên ngoài để tránh gió, và cố gắng cùng nhau, dìu nhau bước từng bước một. Những bước đi thật chậm nhưng chắc chắn, bằng tất cả tinh thần và sự nỗ lực dưới cái thời tiết cực kỳ khắc nghiệt lúc này. Ngược hướng với chúng tôi là một số người đi trước và đã bắt đầu bỏ cuộc…


Lên đến gần đỉnh núi, chúng tôi nấp vào một hốc đá để tránh gió và nghỉ ngơi lấy sức. Lúc này mặt trời đã ló dạng ngang tầm mắt, làm rạng rỡ cả một vùng trời từ xa. Gió vẫn thổi ào ào mạnh mẽ. Pay chỉ chúng tôi phóng tầm mắt sang ngọn núi Agung ở đảo Bali đang xuất hiện mờ ảo sau biển mây. Dưới thung lũng miên man mây trời là hồ nước xanh Segara Anak ôm trọn một ngọn núi lửa khác trong lòng, âm ỉ phun lên những ngụm khói trắng.

Về tới khu vực cắm trại là 11 giờ, cả nhóm cố gắng nuốt bữa sáng muộn vào bụng dù đã rất mệt do phải dậy sớm và chinh phục đoạn đường dốc quá khó. 1 giờ trưa, chúng tôi di chuyển xuống hồ Segara Anak để cắm trại, tắm suối nước nóng và ngủ đêm ở đây. Đoạn đường này chỉ toàn đá và đá lởm chởm, dốc dựng đứng khá nguy hiểm nên có lúc mọi người phải bỏ gậy leo núi sang một bên, chỉ dùng tay bám chặt vào từng hòn đá mà bò từ dưới lên. Mãi tới gần 8 giờ tối mới đến được chỗ lều trại đã dựng sẵn, chỉ kịp ăn vội vàng món mì xào “mee goreng” kiểu Indo xong là mạnh ai nấy lăn ra ngủ.

Ngày cuối của hành trình, Pay cho biết, chúng tôi sẽ phải leo dốc từ hồ Segara Anak ở độ cao 2.100m lên sườn núi Senaru ở độ cao 2.800m, sau đó từ đây mới di chuyển xuống cửa vườn quốc gia Gunung Rinjani. Đường vẫn dốc, đá và rất gập ghềnh, trơn trượt, trời thi thoảng lại mưa khiến mọi người đều có cùng chung cảm giác “đường về nhà sao mà xa quá”. Chẳng mấy chốc trời sụp tối, và cả nhóm vẫn chưa ra được khỏi rừng. Lúc này Pay mới thổ lộ, đây cũng là lần đầu tiên anh và các bạn porter được trải nghiệm đi rừng vào ban đêm. 11 giờ khuya, chúng tôi dừng bước chân cuối cùng ngay cửa rừng, kết thúc hành trình chinh phục núi lửa Rinjani - một trong 129 ngọn núi lửa đang hoạt động ở Indonesia - với những thử thách tột cùng và vô vàn khó khăn, thách thức.
_______________________________________________________________________
Thông tin thêm cho bạn:
- Từ TpHCM hay Hà Nội, để bay đến Lombok bạn có thể tham khảo đường bay của Air Asia, Lion Air, Garuda Indonesia hoặc Malaysia Airlines. Tất cả đều phải quá cảnh ở Kuala Lumpur, Jakarta hoặc Singapore do chưa có đường bay thẳng.

- Rinjani là ngọn núi lửa cao thứ hai ở Indonesia, độ cao 3.726m so với mực nước biển. Nhiệt độ trung bình ở khu vực cắm trại Sembalun và hồ Segara Anak là khoảng từ 10 - 18 độ C, vào sáng sớm có thể xuống đến 0 độ. Tham khảo từ các diễn đàn leo núi, đa số các thành viên đều nhận định: khi so sánh các cung leo núi khác như Poon Hill hay Annapura Base Camp, Thorong la Pass ở Nepal, núi Phú Sĩ ở Nhật Bản, núi Agung ở Bali… với Rinjani, tất cả đều nói rằng “Rinjani chính là cung đường leo núi khó khăn và khắc nghiệt nhất!”
- Những vật dụng cần chuẩn bị:
  • Giày leo núi, quần áo ấm và chống gió, áo mưa, găng tay, vớ, nón...
  • Balo nhẹ và chống thấm nước, đèn pin đeo đầu, gậy leo núi
  • Sô cô la, các loại hạt khô, nho khô… để cung cấp thêm năng lượng khi cần
* Bài viết cho chuyên mục Nhật ký hành trình - tạp chí Thế Giới Phụ Nữ số 35/17 ra ngày 04.09.2017 (BBT đã chỉnh sửa tựa bài thành "Chinh phục thử thách núi lửa Rinjani")

No comments:

Post a Comment