Sunday, March 28, 2010

Bạn cá sấu Ghena đã tới VN :D


Câu chuyện xoay quanh bộ ba thân thiết: Ghena - chú cá sấu tròn 50 tuổi, làm nghề đóng vai cá sấu trong sở thú thành phố; Cheburaska - con thú nhỏ khoa học chưa từng biết đến và Galia - cô bé ngoan lúc nào cũng nói và viết đúng chính tả. Tác phẩm thể hiện cái nhìn cuộc sống một cách trìu mến thông qua những con người, những nhân vật mà 3 người bạn gặp gỡ hằng ngày.
Chú cá sấu Ghena màu xanh thật khác thường: biết đọc báo, hút tẩu, tự mình chơi cờ ca rô tay đôi với mình suốt buổi tối, lại còn biết cả buồn chán. Một ngày kia, bảng thông báo kết bạn đã mang lại cho Ghena những người bạn đích thực là bạn: cô bé Gali cùng Cheburaska, con thú nhỏ lạ lùng mà khoa học chưa biết từng biết đến. Thế là cuộc đời Ghena bỗng tươi tắn hẳn lên: những bận bịu nho nhỏ xoay quanh một công trình chung thật oách: Nhà Tình Bạn, không những thế, bà già "hư" Sapokliac khó chịu và con chuột Lariska mũi nhọn chuyên làm những trò càn quấy, bọn cướp ngộ nghĩnh vừa dại vừa khôn, đám du khách làm bẩn sông hồ cũng có ngay những người “điều trị” đích đáng…


Thiệp mời đến dự buổi họp báo về sự trở lại của văn học thiếu nhi Nga, trông xinh không này :D



Nhiều thế hệ trẻ em Nga đã lớn lên với những nhân vật giản đơn mà nồng hậu như thế!

Một thế giới cổ điển, bình yên, với giọng văn hồn hậu nhưng dí dỏm khó quên đang chờ những ai bắt đầu lật sách…

Tất cả bọn họ, dù là hư hay ngoan, dù không phân biệt được “s” với “x” hay viết rất chuẩn, dù cao như hươu cao cổ hay dũng mãnh như sư tử… thì đều giống nhau ở một điểm, là luôn khao khát có bạn! Một mong muốn chính đáng của tuổi thơ! Vì thế, “Cá sấu Ghena và các bạn” cho đến thế kỷ này vẫn còn giữ nguyên tính thời sự. Đọc sách, thấy hình ảnh của những đứa trẻ ngày nay, với những siêu nhân, người nhện, những chương trình tivi, trò chơi điện tử, game online…, chúng mới cô độc làm sao trong thế giới riêng đầy những người bạn ảo! Và chắc hẳn không phải ít lần chúng muốn bắt chước Ghena, viết một tờ thông báo tìm bạn! Thêm nữa, Uspenski vốn mồ côi từ nhỏ nên cô đơn có lẽ là một trong những cảm giác đáng sợ mà ông không muốn các bạn nhỏ của mình gặp phải. Sau này, Eduard Uspenski sáng tác lời thơ cho bài hát của Cheburashka trong phim hoạt hình, có đoạn: “Ban đầu tôi thật xui xẻo – Thậm chí có thời thế này cơ – Ngày sinh của tôi không ai đến cả - Bây giờ tôi đã có Ghena – Cậu ấy không phải thường đâu – Mà là một con cá sấu – Tốt nhất trên thế giới này” … Có nghĩa là, trong hình dung của nhà văn, tình bạn, đó là điều quý giá nhất đối với mỗi đứa trẻ, và tình bạn trong những cuốn sách của Uspenski luôn đồng hành với các em, cho chúng những trận cười sảng khoái và cách nhìn người trong trẻo, hồn nhiên.

Độc giả nhí hân hoan đón nhận Ghena, Cheburashka, Galia… vì chúng nhìn thấy mình trong từng nhân vật ấy. Ngay cả những điểm 2, những trò nghịch ngợm tai ác… cũng được nhà văn lý giải một cách giản dị, dễ hiểu và hóm hỉnh. Hình như, giả sử trong 100 người, khi lớn lên, có tới 99 người nhanh chóng quên đi mình đã từng làm gì, nghĩ gì, buồn vui thế nào, xử sự ngốc nghếch nông nổi ra sao thời bé, và còn lại một người không quên tất cả những điều ấy, một người mãi sống với tuổi ngây thơ – thì chắc chắn người ấy chính là Eduard Uspenski.

Xuất bản lần đầu năm 1966, Cá sấu Ghena và các bạn mang lại thành công to lớn cho Eduard Uspenski, và liên tục được tái bản trong suốt những thập kỷ sau này. Tác phẩm hiện được dịch ra 25 thứ tiếng, làm say mê độc giả thế giới với chất khôi hài trong trẻo và những hình tượng thuần khiết trẻ thơ. Ở Nga, cuốn truyện được xếp vào hàng kinh điển, cùng với Bác Fiodor, con chó và con mèo của cùng tác giả.

“Đáng tiếc là ngày nay có những em không thích đọc sách. Lý do bởi khi còn bé các em không được cầm trên tay những cuốn sách tốt đẹp. Đây là một cuốn sách tốt đẹp, bởi vì Cheburaska, cá sấu Ghena và mụ già Sapokliac đã từng là bạn của cha mẹ các em. Dù đứa trẻ mới chỉ biết đánh vần, em cũng có thể đọc liền một mạch sách này cho đến khi gấp lại. Những ai đã từng đọc từ đầu đến cuối cuốn sách này sẽ không bao giờ lớn lên thành người xấu - dù có bị dụ dỗ thế nào đi nữa.” - Eduard Uspenski

No comments:

Post a Comment